top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ sáu, 09/02/2018, 16:57 GMT+7
Thị trường toàn cầu đang bất ổn, còn Trung Quốc vẫn ổn?

Trong khi hầu hết các nền kinh tế lớn ở châu Á đều góp mặt trong danh sách "thị trường bất ổn" những ngày vừa qua, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đến Indonesia thì Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - lại dường như đứng ngoài cuộc. Có thật sự là nền kinh tế này đã quá vững vàng?

thi-truong-toan-cau-dang-bat-on-con-trung-quoc-van-on-wshowbiz

Sóng gió đã nổi lên ở nhiều thị trường chứng khoán thế giới mấy ngày qua - Ảnh minh họa từ Internet

Có một quan điểm khá phổ biến trên thế giới và ít nhiều đúng với thực tế hiện nay là: Trung Quốc đang làm xói mòn ngôi vị số một của Mỹ trong hàng loạt các lĩnh vực chủ chốt. Tuy nhiên, cuộc hỗn loạn đồng loạt trên thị trường toàn cầu trong suốt những ngày vừa qua lại là minh chứng cho điều ngược lại, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế-tài chính.

Những ngày qua, trong khi thị trường toàn cầu hỗn loạn thì Trung Quốc lại rất ít được đề cập đến trong số các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi sự thoái vốn ồ ạt. Dù hầu hết các nền kinh tế lớn ở châu Á đều góp mặt trong danh sách này, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đến Indonesia.

Nguồn cơn của tình trạng khá hỗn loạn trên thị trường toàn cầu hiện nay dường như đều xuất phát từ nền kinh tế số một thế giới - Mỹ, cụ thể là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trung Quốc, dù là nền kinh tế số hai thế giới, không những không phải là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn mà còn ít bị ảnh hưởng và tác động từ tình trạng hỗn loạn này hơn nhiều so với dự đoán.

Một số quan điểm cho rằng Trung Quốc đã lường trước được những điều này từ trước đó, khi nước này đã trải qua một giai đoạn khá dài phải đối phó với sự rút vốn ồ ạt ra khỏi nền kinh tế và thị trường. Các biện pháp hạn chế và ngăn chặn dòng chảy thoái vốn đã được Bắc Kinh dựng lên từ lâu và tình trạng hỗn loạn do thoái vốn trên toàn cầu hiện nay không thể làm khó Trung Quốc.

Điều này có thể đúng nhưng mới chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất giải thích cho việc Trung Quốc ít bị tác động bởi sự thoái vốn ồ ạt hiện nay đó là thị trường vốn của nước này vẫn còn khá khiêm tốn so với quy mô nền kinh tế đứng thứ hai thế giới của nó.

Nếu tính về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Trung Quốc đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và có thể sẽ nhanh chóng bắt kịp trong 10-20 năm tới. Tuy nhiên, điều tương tự sẽ không diễn ra đối với khoảng cách về ảnh hưởng của thị trường vốn của mỗi nước trên thị trường toàn cầu. So sánh về thị trường vốn, bao gồm thị trường chứng khoán thì Trung Quốc vẫn còn kém khá xa Mỹ.

Hiện tại dù là nền kinh tế số hai thế giới, nhưng thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn chỉ được xếp trong danh sách những thị trường mới nổi bên cạnh Thái Lan hay Philippines và còn khá lâu nữa mới có thể được xếp vào diện thị trường phát triển như Nhật Bản. Không những thế, vai trò của thị trường chứng khoán với nền kinh tế Trung Quốc cũng còn khá khiêm tốn nếu so sánh với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới.

Một lý do khác cho tình trạng nói trên là Fed đang nắm giữ vai trò ngân hàng trung ương của thế giới. Trên thực tế, Fed vẫn là cơ quan đưa ra các quyết định có tác động lớn nhất đối với thị trường thế giới và sau đó sẽ được những cơ quan có tầm quan trọng xếp ngay phía sau có những động thái tương tự, đó là Ngân hàng trung ương châu Âu, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Canada và Ngân hàng Nhật Bản.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc về cơ bản không nằm trong danh sách những người có ảnh hưởng quyết định đến cuộc chơi. Thị trường vốn và thị trường chứng khoán của họ cũng vậy. Vẫn có một sự khép kín tương đối của thị trường vốn và thị trường chứng khoán của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới và vì thế, nó ít bị tác động hơn bởi những biến động toàn cầu.

Thị trường vốn của Trung Quốc thực tế đang gia tăng cùng với sự tăng trưởng về kinh tế của nước này, nhưng dường như Trung Quốc đang tỏ ra chùn bước trong việc tiến tới vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này. Hiện tại, thị trường trái phiếu của Trung Quốc đang xếp thứ 3 thế giới nhưng đầu tư nước ngoài khá nhỏ. Theo thống kê của Bloomberg News, Trung Quốc chỉ thu hút được 55 tỉ USD vốn nước ngoài vào trái phiếu trong cả năm 2017, tăng tới 41% so với năm 2016, nhưng vẫn ít hơn nhiều so với con số 337 tỉ USD của Mỹ.

Cuộc khủng hoảng nhỏ trên thị trường toàn cầu ở thời điểm hiện tại có thể sẽ sớm chấm dứt mà không gây ra hậu quả trầm trọng nào, nhưng ít nhất nó cũng là một phép thử và là một minh chứng cho một thực tế rằng Trung Quốc vẫn chưa phải là một nền kinh tế có thể gây ra những tác động lớn cho thế giới, bất chấp quy mô khổng lồ của nó. Một nền kinh tế có thể tránh được những tác động tiêu cực của thị trường thế giới thì khả năng tác động theo chiều ngược lại của nó có lẽ... cũng như thế.

Theo Bloomberg/motthegioi.vn - 9/2/2018

Link nguồn: http://beta.motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-toan-cau-dang-bat-on-con-trung-quoc-van-on-81867.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

bia-kndn

hoa-moc-thien

moc-beauty

miss-charm

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp