top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ sáu, 04/01/2019, 10:12 GMT+7
Giải pháp để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch

Việt Nam hiện đứng thứ 15 thế giới về giá trị xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản vẫn chưa bền vững, phần lớn qua đường tiểu ngạch.

Công ty Huy Long An là một trong những doanh nghiệp tiên phong đưa nông sản xuất khẩu trực tiếp, chính ngạch sang Nhật. Mỗi năm, công ty xuất khẩu chuối sang Nhật và Hàn Quốc trị giá hàng triệu USD. Riêng năm 2018, công ty xuất khẩu được hơn 3,3 triệu USD. Để xuất khẩu chính ngạch sang 2 thị trường khó tính này, hơn 200 ha chuối của doanh nghiệp ngoài đạt tiêu chí VietGAP thì phải đáp ứng thêm 200 tiêu chí khắt khe của doanh nghiệp Nhật và 170 tiêu chí của Hàn Quốc về các điều kiện về đất, nước, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và phải ghi chép nhật ký hàng ngày.

Điều quan trọng là doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt cam kết với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc về điều kiện an toàn toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, trong những lúc chuối rớt giá thê thảm, nhiều nông dân ở các tỉnh miền Đông Nam bộ phải bán tháo hoặc bỏ cho bò ăn, thì sản phẩm của Công ty Huy Long An vẫn xuất khẩu với giá 15.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá thị trường. Hiện nay, nhiều đối tác muốn tăng sản lượng nhập khẩu nên doanh nghiệp đang liên kết với 10 hộ nông dân ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai với hơn 100 ha để trồng chuối xuất khẩu.

nong-san-kndn

Nông dân luôn lo sợ tình trạng “được mùa mất giá” và phải “giải cứu” nông sản.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết: “Tôi liên kết sâu, hùn trồng với họ. Họ có công, tôi có chợ, có người quản lý kỹ thuật. Phải tuân thủ kỹ thuật trồng trọt, bán hàng đảm bảo chất lượng, uy tín  thì khách hàng mới tin tưởng và hợp tác lâu dài”.

Hiện nay, nông sản của nước ta phần lớn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Các mặt hàng nông sản chủ lực thì sức cạnh trạnh kém, chỉ có 5% đạt tiêu chuẩn quốc tế, ít có thương hiệu và tỷ lệ sản phẩm qua chế biến còn thấp.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam qua thị trường các nước phát triển, thì sản phẩm phải đạt các tiêu chí quốc tế về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm như, HCAAP, Global GAP… Trong đó, chứng nhận Global GAP được xem là giấy thông hành tốt để đưa hàng hóa vào tất cả các hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại ở các nước phát triển, vì các nhà bán lẻ rất quan tâm đến các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, không phải nông dân hay doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để đạt tiêu chí này, vì tốn rất nhiều chi phí và thời gian.

Trang trại của ông Nguyễn Hiếu Hữu ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước có 5 ha nhãn xuồng cơm vàng được cấp giấy chứng nhận Global GAP. Ông Hữu cho biết, để được cấp giấy chứng nhận này mất rất nhiều thời gian, công sức và tốn hơn 280 triệu đồng do phải đầu tư lại trang trại, có nhà kho chứa phân bón, thuốc trừ sâu, vùng cách ly và kiểm định nhiều mẫu đất, nước…

Theo ông Hữu, để giảm chi phí và tăng nguồn lực đầu tư khi làm Global GAP thì các nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp phải liên kết với nhau: “Để hội nhập thì nên làm Local GAP, vài năm sau làm Global. Chúng ta nên làm hợp tác xã, nhiều người thì chi phí sẽ thấp hơn. Mình có khối lượng lớn để xuất khẩu, chứ nếu chỉ vài chục tấn thì đóng 1-2 container là hết hàng. Yêu cầu xuất khẩu hàng hóa thì phải kéo dài 4-6 tháng, có điều số lượng vài container/tháng thì mới hiệu quả”.

Tuy nhiên, để bước chân ra các thị trường này bằng con đường chính ngạch thì điều đầu tiên cần phải có là đạt tiêu chuẩn Global GAP, trong khi nhiều nông dân, doanh nghiệp không thể làm ngay được và cần có thời gian chuẩn bị.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) đã cùng Global GAP xây dựng tiêu chí Local GAP - bước trung chuyển để đưa nông sản vào thị trường xuất khẩu. Sau “bước đệm” này, các doanh nghiệp sẽ có thời gian và điều kiện để thực hiện thêm nhiều tiêu chí khác để đủ điều kiện được cấp chứng chỉ Global GAP.

Ông Phạm Việt Anh, đại diện tổ chức Global GAP tại Việt Nam cho biết: “Chúng ta kêu gọi một số nhà bán lẻ lớn trên thế giới, có những kết nối để BSA hướng họ tham dự Local GAP, nếu họ tham dự thì sẽ là cơ hội lớn cho người sản xuất, không chỉ tiêu thụ trong nội địa mà còn mở rộng cho các thị trường xuất khẩu”.

Xuất khẩu nông sản bằng con đường chính ngạch sang thị trường các nước phát triển là hướng đi tích cực, hiệu quả và bền vững cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để tăng cường phát triển thị trường theo hướng này thì nông sản của nước ta  phải “chuẩn” và “chất”. Để làm được điều này không có cách nào khác là nông dân, nhà sản xuất, doanh nghiệp  phải  tăng cường liên kết với nhau để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm bằng việc ứng dụng công nghệ vào sơ chế, chế biến.

Theo Lệ Hằng - vov.vn - 04/01/2019

Link nguồn: https://vov.vn/kinh-te/giai-phap-de-doanh-nghiep-day-manh-xuat-khau-nong-san-chinh-ngach-859464.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

bia-kndn

hoa-moc-thien

moc-beauty

miss-charm

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp