top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ năm, 22/03/2018, 10:52 GMT+7
Quảng Ninh vượt Đà Nẵng, lần đầu giữ vị trí số 1 về PCI 2017

Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 của VCCI, Quảng Ninh đã lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100.

quang-ninh-vuot-da-nang-lan-dau-giu-vi-tri-so-1-ve-pci-2017-wshowbiz

Sáng 22.3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam 2017 (gọi tắt là PCI 2017).

Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 của VCCI, Quảng Ninh đã lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu với điểm số 70,7 trên thang điểm 100.

Những địa phương khác trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điểu hành tốt nhất năm 2017 lần lượt gồm: Đà Nẵng (70,1 điểm), Đồng Tháp (68,8 điểm), Long An và Bến Tre đồng 66,7 điểm, Vĩnh Long (66,1 điểm), Quảng Nam (65,4 điểm), TP.HCM và Hải Phòng cùng 65,2 điểm và Cần Thơ (65,1 điểm).

Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh… Trong đó, Bến Tre lần đầu tiên bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI với những cải thiện rõ rệt trong các chỉ số thành phần tính năng động tiên phong của chính quyền và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đánh giá của VCCI, điều tra PCI đã ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượng của chính quyền địa phương trên cả nước. So với những năm trước, các chính quyền giải quyết kịp thời hơn các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Đặc biệt, chi phí không chính thức cũng có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực,

Bên cạnh đó, điều tra PCI năm 2017 đã cho thấy một tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh. Khoảng 52% doanh nghiệp dân doanh cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%.

Cảm nhận tích cực về triển vọng phát triển còn rõ rệt hơn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô khinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo môi trường kinh doanh của Việt Nam năm vừa qua.

“Các địa phương đang tích cực vào cuộc, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động áp dụng thực tiễn, kinh nghiệm tốt của các tỉnh dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh của mình. Nhiều chính sách, chỉ đạo quan trọng của Chính phủ như loạt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Chỉ thị 20 đang phát huy hiệu quả tích cực trên thực tế”, ông Lộc nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng môi trường kinh doanh vẫn còn những điểm chưa thể hài lòng như tính minh bạch của môi trường kinh doanh chưa cao; thiết chế pháp lý giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết phải trả các chi phí không chính thức; gặp phiền hà trong tiếp cận đất đai…

Cũng theo ông Lộc, PCI có cải thiện nhưng đang có sự chững lại của các ngôi sao cải cách trong nhóm tiên phong với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100, cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới. Trong đó cải cách thể chế, đặc biệt là cắt giảm 30-50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh là giải pháp quan trọng.

Theo Ngân Hoàng/motthegioi.vn - 22/3/2018

Link nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/quang-ninh-vuot-da-nang-lan-dau-giu-vi-tri-so-1-ve-pci-2017-84340.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

kndn

bhql2024

moc-beauty

hoa-moc-thien

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp