top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ tư, 07/03/2018, 11:04 GMT+7
Phân bón nhập khẩu gây xáo trộn thị trường trong nước

Kết luận điều tra cho thấy phân bón nhập khẩu đã gây ra tác động ép giá và kìm giá, gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất trong nước. 

phan-bon-nhap-khau-gay-xao-tron-thi-truong-trong-nuoc-wshowbiz

Phân bón nhập khẩu đang gây xáo trộn thị trường trong nước - Ảnh: Internet

Bộ Công Thương mới đây đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam. DAP và MAP là loại phân bón vô cơ phức hợp, với thành phần chủ yếu là đạm và lân, có tác dụng bón lót, bón thúc cho cây trồng cũng như dùng để sản xuất phân bón NPK. 

Ngày 12.5.2017, căn cứ Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của ngành sản xuất trong nước, quy định của WTO và Pháp lệnh Tự vệ, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định khởi xướng vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.

Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, hàng hóa nhập khẩu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước, theo đó Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu, với mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn và có hiệu lực từ ngày 19.8.2017 đến ngày 6.3.2018. 

Trong giai đoạn điều tra cuối cùng, Bộ Công Thương cho biết lượng phân bón DAP và MAP nhập khẩu đã tăng cả tuyệt đối và tương đối trong giai đoạn điều tra. Kết luận điều tra cũng cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã gây ra tác động ép giá và kìm giá đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong giai đoạn 2013-2016. Mức chênh lệch giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước là 1.855.790 đồng/tấn. Hiện tượng ép giá, kìm giá vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2017 nên giá bán của phân bón sản xuất trong nước vẫn thấp hơn chi phí sản xuất là 1.128.531 đồng/tấn.

"Như vậy đã có sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu gây tác động về giá, thỏa mãn một trong ba điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định của WTO và Việt Nam. Mọi chỉ số về thiệt hại đều rõ ràng, cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phải chịu thiệt hại nghiêm trọng. Hệ số sử dụng công suất của ngành sản xuất trong nước vẫn còn rất thấp, chưa đủ để đạt đến điểm hòa vốn, do đó ngành sản xuất trong nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ. Kết quả điều tra cũng cho thấy có mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa gia tăng nhập khẩu và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước", Bộ Công Thương cho hay.

Trước năm 2009, khi Việt Nam chưa sản xuất trong nước, giá phân bón DAP đã từng bị đẩy lên rất cao (18.000đ/kg năm 2008), dẫn đến thiệt hại nặng nề cho nông dân. Thực tế cho thấy, với những ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, thép, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo..., khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Vì vậy, rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn, đều đã và đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để phát triển các ngành sản xuất này.

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng mức thuế tự vệ chính thức bằng với mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán tại điểm hòa vốn của ngành sản xuất trong nước là 1.128.531 đồng/tấn, tức là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam. Mức thuế này có thể sẽ làm chi phí trồng trọt tăng thêm nhưng theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì tối đa sẽ không quá 0,72%.

Hiện nay, trong số các nước xuất khẩu vào Việt Nam thì Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất với 83,61%, tiếp đó là Hàn Quốc với 5,37%, Nga với 2,61% và Úc với 2,12%.

Theo Tuyết Nhung/motthegioi.vn - 7/3/2018

Link nguồn: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/phan-bon-nhap-khau-gay-xao-tron-thi-truong-trong-nuoc-83293.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

bia-kndn

hoa-moc-thien

moc-beauty

miss-charm

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp