top-banner-miss-charm-2023

Thị trường Thứ sáu, 25/08/2017, 14:57 GMT+7
Hiểm họa từ smartphone giá rẻ Trung Quốc

Hàng loạt các vụ cháy nổ liên quan đến điện thoại Xiaomi trên toàn thế giới thời gian gần đây khiến nhiều người đang dùng sản phẩm của hãng này tỏ ra bất an. Cái giá mà người tiêu dùng phải trả cho những chiếc smartphone tưởng rẻ này lại vô cùng đắt…

Sự kết hợp của những chiếc smartphone cấu hình cao và đơn giá thấp đã giúp Xiaomi không chỉ trở thành hãng smartphone bán chạy nhất ở Trung Quốc, mà còn vượt qua cả gã khổng lồ Samsung “chiễm chệ” leo lên vị trí nhà sản xuất điện thoại có thị phần đứng trong top 5 toàn cầu vào Quý 2 – 2017.

Những “quả bom” di động

Hàng loạt các vụ cháy nổ liên quan đến điện thoại Xiaomi trên toàn thế giới thời gian gần đây khiến nhiều người đang dùng sản phẩm của hãng này tỏ ra bất an. 

Hồi tháng 2 năm ngoái, một người dùng Trung Quốc đã hoảng loạn khi chiếc Xiaomi Mi 2S của anh bốc cháy và phát nổ. Người này sau đó khẳng định chiếc điện thoại được mua chính thức từ Xiaomi, sử dụng pin chính hãng và còn đầy đủ các giấy tờ chứng minh. Phía Xiaomi sau đó không bình luận gì về sự việc này.

Chỉ sáu tháng sau, vụ việc tương tự diễn ra tại Ba Lan với chiếc Xiaomi Mi 4C khi người chủ sở hữu của nó đang ngủ. Rất may không có hỏa hoạn xảy ra. Chủ nhân chiếc máy sau đó gửi thư đến Xiaomi và công ty Trung Quốc này đã thẳng thừng từ chối trách nhiệm vì cho rằng “sản phẩm trên không được bán chính thức tại châu Âu”.

Và sau đó hàng loạt vụ việc cháy nổ liên quan tới smartphone Xiaomi cứ thế diễn ra. Tháng 9/2016 một người dùng khác đang dùng Xiaomi Mi 4C tại Trung Quốc đã bị bỏng tới 3 độ sau khi máy của anh phát nổ ở trong túi quần. Tháng 1/2017, chiếc Xiaomi Mi 4 của một giáo viên Trung Quốc cũng bỗng dung phát nổ khi đang sạc trong lớp học. 

dien-thoai-trung-quoc-wshowbiz

Mới đây nhất, khoảng 1 tuần trước người đàn ông tên Bhavana Surykiran sống ở Ấn Độ đang đạp xe trên đường về nhà thì bất ngờ chiếc điện thoại Xiaomi Redmi Note 4 trong túi quần anh này nóng rực và bốc lửa. Chiếc máy sau đó phát nổ và bốc rất nhiều khói, đồng thời để lại trên đùi của Bhavana một vết cháy sém.

Ngay tại Việt Nam, người dùng cũng không thoát hiểm hoạ những “quả bom di động” từ Xiaomi. Ngày 19/10/2016 anh Thanh Hiền, ngụ quận 7, TP.HCM cho biết chiếc Xiaomi Mi 4 đã phát nổ khi anh đang để trong túi quần. Khi điện thoại gặp sự cố, người này đã kịp thời lấy máy ra những vẫn bị bỏng nặng phần đùi. Theo hoá đơn bán hàng, chiếc Xiaomi Mi4 phát nổ sau đúng 6 tháng sử dụng. Cửa hàng bán máy cho anh sau đó đã xác nhận vụ việc và đổi máy mới.

Tuy nhiên điều đáng bàn là trách nhiệm của Xiaomi trong hàng loạt vụ nổ liên quan đến thiết bị do mình sản xuất. Khác với những gì Samsung làm với Note 7 đó là thu hồi và trả lại tiền cho người mua trên toàn thế giới, Xiaomi luôn né tránh trách nhiệm và một số trường hợp quay ra đổ lỗi cho người dùng như mua hàng giả, sử dụng phụ kiện không chính hãng hay do “ngoại lực” tác động.

Xâm phạm bảo mật nghiêm trọng

Xiaomi luôn là hãng điện thoại bị chỉ trích nhiều lần vì những bê bối cài sẵn phần mềm quảng cáo hay gián điệp trên điện thoại của mình, với mục đích lấy cắp dữ liệu người dùng mà không cần đến sự cho phép của chủ nhân.

Vào tháng 8/2014, hãng bảo mật F-Secure của Phần Lan thông báo chiếc Xiaomi RedMi 1S mà công ty này kiểm tra đã tự gửi thông tin như số điện thoại người dùng, mạng di động, số IMEI, danh bạ, tin nhắn SMS lên một server “bí ẩn” tại Trung Quốc.

Đến tháng 6/2016, một sinh viên khoa máy tính tại đại học Hà Lan tiếp tục phát hiện Xiaomi cài mã độc "AnalyticsCore.apk" vào thiết bị do hãng sản xuất. Mã độc này chạy ngầm trong các thiết bị, có thể tạo backdoor để Xiaomi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào mà người dùng không hề hay biết.

Ngay sau đó, “cực chẳng đã” phó Chủ tịch Xiaomi Hugo Barra đã phải xin lỗi và thừa nhận hành vi thu thập dữ liệu khi chưa được phép của người dùng. Ông này lý giải Xiaomi “chỉ thu thập số điện thoại trong danh bạ để xem người dùng đó có online hay không”.

Công nghệ - Điện thoại Xiaomi và hiểm họa từ smartphone giá rẻ Trung Quốc (Hình 2).

Ông Vũ Ngọc Sơn, chuyên gia từ Công ty an ninh mạng BKAV khi đó cũng khẳng định mẫu điện thoại Redmi Note mà công ty ông thử nghiệm có thực hiện việc thu thập thông tin người sử dụng trái phép. Nhà sản xuất đã thiết lập sẵn để máy tự động gửi các thông tin liên quan đến số điện thoại: số gọi đến, số gọi đi, số nhắn tin về server của hãng.

“Mặc dù trong điện thoại có cung cấp lựa chọn bật tắt dịch vụ sao lưu dữ liệu nhưng cho dù người dùng tắt tính năng này, điện thoại vẫn tự động gửi các thông tin trên về Xiaomi” - ông Sơn khẳng định.

Tháng 8 năm nay, một cú phốt nữa lại đến với Xiaomi khi hãng bảo mật eScan Antivirus (Ấn Độ) phát hiện ra lỗ hổng nghiêm trọng trên ứng dụng Mi Mover giúp chuyển dữ liệu từ máy này sang máy kia. Ứng dụng này không hề được tích hợp cơ chế bảo mật bằng mật khẩu hoặc mã PIN, do đó dữ liệu của người dùng hoàn toàn có khả năng bị đánh cắp nếu như ai đó giành được quyền truy cập vào thiết bị.

Xiaomi sau đó ra thông cáo cho biết hãng "hoàn toàn không đồng ý” với những cáo buộc eScan đưa ra và lập luận rằng ai cũng có khả năng thực hiện các hành vi gây hại nếu có quyền truy cập vật lý vào một chiếc điện thoại đã mở khóa. Tuy nhiên, với những gì diễn ra liệu còn có ai dám tin vào các lý lẽ mà Xiaomi đưa ra về bảo mật. 

Trong lần trao đổi với giới truyền thông tại một hội thảo an ninh mạng mới đây, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm quản trị và an ninh mạng Athena cho biết, một chiếc smartphone có thể biến thành thiết bị "nghe lén" bằng nhiều con đường khác nhau.

Nếu được cấy bằng phần mềm thì người dùng chỉ cần tải một bản ROM Android "sạch" và cài lại máy, thao tác này người dùng cần phải có kiến thức về công nghệ để thực hiện. Nếu cấy bằng phần cứng, thì việc người dùng phát hiện ra là điều rất khó khăn và dù có dùng phần mềm quét virus cũng khó có thể phát hiện ra.

Về vấn đề liệu smartphone Xiaomi có khả năng "theo dõi" người dùng hay không, theo ông Thắng với những cảnh báo từ nhiều hãng bảo mật thì việc Xiaomi cài thêm phần mềm gián điệp vào hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì thế, để người dùng trong nước được an toàn thì trách nhiệm của bên tiêu chuẩn đo lường giám sát thiết bị nhập khẩu là rất quan trọng.

Nhờ giá bán quá rẻ, Xiaomi cũng như các hãng điện thoại đến từ Trung Quốc khác đang được tiêu thụ khá phổ biến ở thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, một lần nữa có thể khẳng định thứ mà người dùng bỏ ra kèm theo những chiếc smartphone này như sự an toàn tính mạng, dữ liệu cá nhân thì không hề rẻ.

Theo Nguoiduatin.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

metro-sai-gon

bia-kndn

hoa-moc-thien

moc-beauty

miss-charm

Google Plus WSHOWBIZ.COM
buy dnp